TTO - Kênh phân phối của TP với 110 chợ hoạt động cùng 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, 28.700 điểm bán vẫn đang phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Tuổi TrẻHàng hóa cung ứng cho thị trường TP.HCM không thiếu, nhưng một số khâu phân phối đang gặp trục trặc, chậm lên hàng trên kệ. Các doanh nghiệp bán lẻ đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến trên tất cả các kênh từ online đến offline.
Bên cạnh việc phối hợp với các doanh nghiệp phân phối kịp thời tăng lượng hàng, tăng thời gian mở cửa bán hàng, tăng hình thức bán hàng..., TP.HCM dự kiến triển khai đến các quận, huyện, TP Thủ Đức việc điều chỉnh phương thức tổ chức kinh doanh, mua bán nhằm bảo đảm lượng cung ứng lẫn điều kiện an toàn giãn cách.
Sản lượng hàng cung ứng tăng 2 - 5 lần
Tại cuộc họp thông tin về phương án cung ứng hàng cho TP.HCM chiều 7-7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công thương TP.HCM, khẳng định việc ba chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức tạm dừng hoạt động không có nghĩa là tiểu thương dừng mua bán.
Kênh phân phối của TP với 110 chợ hoạt động cùng 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, 28.700 điểm bán vẫn đang phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Những điểm bán này đang được tăng khả năng cung ứng, phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Các doanh nghiệp bình ổn và một số đơn vị của thành phố cũng đã dự trữ gấp 3 lần so với điều kiện bình thường, ở mức hơn 120.000 tấn hàng, trong khi nhu cầu thực tế trên địa bàn chỉ khoảng 5.000 - 6.000 tấn/ngày.
"Việc thiếu hàng ở các kệ, sạp chủ yếu rơi vào nhóm hàng tươi sống, theo thời điểm trong ngày, nhóm hàng khô vẫn rất dồi dào", ông Vũ cho biết. Tuy vậy, đại diện Sở Công thương cũng thừa nhận một số chợ truyền thống có tăng giá 10 - 15% trong những ngày qua.
Ông Lâm Quốc Thanh, tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết hệ thống này đang tiêu thụ khoảng 60 tấn rau củ quả/ngày, tăng gấp 3 lần so với trước đó. Để khắc phục nguồn cung trong khi chợ đầu mối Bình Điền tạm đóng cửa, các nhà cung cấp rau củ quả, thủy hải sản chuyển sang giao hàng trực tiếp về các điểm chế biến rau củ quả Phan Văn Trị và Thống Nhất (Q.Gò Vấp) trước khi phân phối đến các điểm trong hệ thống bán lẻ Satra.
"Hai ngày gần đây, sức mua tăng đến gấp 5 lần, Satra đang tăng cường nhân viên đến các cửa hàng để kịp thời cung cấp hàng hóa đến các siêu thị, cửa hàng", ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết đang tổ chức 25 kho lưu động tại TP.HCM để tăng trữ lượng hàng hóa và tăng tính kịp thời của việc cung ứng hàng hóa. "Với việc nâng tần suất cung ứng hàng lên 2 - 3 lần/ngày, người dân yên tâm luôn có hàng mới được bổ sung lên quầy kệ", ông Đức nói.
Theo ông Đinh Quang Khôi - đại diện hệ thống MM Mega Market, hệ thống này đã tăng sản lượng lên 2 - 3 lần, lượng hàng dự trữ lên đến 60 ngày đối với các sản phẩm thiết yếu, một số mặt hàng lên đến 90 ngày, do lượng khách đến siêu thị tăng đột biến.
Việc quầy kệ bị trống chỉ mang tính chất nhất thời và sớm được lấp đầy. Siêu thị cũng đã chủ động nâng sản lượng nhập hàng lên 2 - 3 lần, từ 30.000 tấn lên 60.000 tấn, một số lên 90.000 tấn, từ ba nguồn hàng ở Đà Lạt, Đồng Nai, Cần Thơ.
Nhận xét
Đăng nhận xét